Xu hướng đưa ChatGPT vào ứng dụng

Snap, Bain & Company, Shopify và hàng loạt công ty đã đưa ChatGPT vào ứng dụng và dịch vụ sau khi OpenAI ra mắt API đầu tháng này.

Khi ChatGPT được phát hành cuối tháng 11/2022, Daniel Habib, cựu nhân viên Oculus và Facebook, đã sử dụng công cụ này để xây dựng QuickVid AI – ứng dụng tự động hóa phần lớn quy trình sáng tạo video trên YouTube. Người dùng chỉ cần nhập thông tin về chủ đề video và loại danh mục, QuickVid sẽ truy vấn dữ liệu từ ChatGPT để tạo tập lệnh. Sau đó, một số công cụ AI khác sẽ giúp lồng tiếng cho kịch bản và tạo hình ảnh.

Tuy nhiên, Habib cho biết việc truy cập ChatGPT kiểu này “không chính thức”, khiến anh không thể tính phí cho dịch vụ.

Ngày 1/3, OpenAI công bố quyền truy cập giao diện lập trình ứng dụng (API) của ChatGPT và Whisper – AI nhận dạng giọng nói do công ty phát triển. Habib nhanh chóng kết nối QuickVid với API trong vòng một giừ. “Về cơ bản, tất cả công cụ không chính thức chỉ là đồ chơi nằm trong hộp cá nhân của riêng bạn. Thật tuyệt khi giờ đây nó có thể được cung cấp cho nhiều người dùng”, Habib nói.

Xu hướng đưa ChatGPT vào ứng dụng
API ChatGPT được phát hành từ 1/3. Ảnh: AFP

Theo Wired, động thái mới của nhà phát hành ChatGPT có thể là khởi đầu của một xu hướng AI mới. API ChatGPT hiện có giá 0,002 USD cho 1.000 token (khoảng 750 từ). OpenAI cho biết mức này rẻ hơn 10 lần so với mô hình GPT-3.5 hiện tại của công ty, nhờ một loạt tối ưu hóa trên toàn hệ thống.

Theo Forbes, một số công ty đang bắt đầu sử dụng dịch vụ mới của OpenAI. Trong đó, hãng tư vấn Bain & Company tích hợp ChatGPT vào hệ thống quản lý, nghiên cứu, quy trình và cho biết Coca-Cola sẽ là công ty sản phẩm tiêu dùng lớn đầu tiên sử dụng hệ thống này.

Snapchat cũng giới thiệu tính năng My AI trên Snapchat+, cho phép 2,5 triệu người dùng đặt câu hỏi cho chatbot, từ cách nấu ăn đến kế hoạch cho chuyến đi chơi. Ứng dụng cho người tiêu dùng Shopify sử dụng ChatGPT giúp khách hàng giải đáp thắc mắc và đưa ra đề xuất cá nhân theo yêu cầu của người dùng. Trong khi đó, ứng dụng ngôn ngữ Speak đã hợp tác với OpenAI, sử dụng API Whisper chuyển lời nói thành văn bản, hỗ trợ người dùng phản hồi theo thời gian thực khi học một ngôn ngữ mới.

Hassan El Mghari, điều hành TwitterBio, cũng khai thác sức mạnh tính toán của siêu AI để tạo văn bản hồ sơ Twitter cho người dùng. “Ý nghĩa của việc phát hành API đối với các công ty là bổ sung những khả năng của AI vào ứng dụng nhằm dễ tiếp cận với giá cả phải chăng hơn”, Hassan nói.

Tuy nhiên, theo Nguyễn Hoàng Bảo Đại, chuyên gia Google Developer Expert (GDE) trong lĩnh vực học máy, ChatGPT chưa cho phép tinh chỉnh (finetune) như các sản phẩm trước đây của OpenAI. Finetune một kỹ thuật được sử dụng nhiều trong AI, được dùng để cho phép mô hình tạo ra nội dung cụ thể, chuyên sâu hơn với mong muốn của từng doanh nghiệp.

“Về chất lượng nội dung, giá trị của API mới vẫn tương tự ChatGPT dùng trên website. Điểm khác biệt là người dùng có kết quả nhanh hơn vì bản này tính phí theo token”, Bảo Đại cho biết. “Thời gian tới, khi OpenAI cho phép tinh chỉnh kết quả đầu ra, giá trị của API ChatGPT mới có thể được tận dụng”.

Tương tự, Snapchat cũng cảnh báo người dùng tính năng My AI rằng trong giai đoạn đầu, chatbot có thể gặp “ảo giác”, đưa ra câu trả lời không chính xác. Điều này xuất phát từ việc OpenAI chưa tối ưu API và cần sửa thêm lỗi sau phản hồi từ người dùng. Công ty khuyên người dùng không nên cung cấp thông tin bí mật hoặc nhạy cảm cho My AI.

Dù vậy, theo Habib, API ChatGPT sẽ là sự khởi đầu cho một làn sóng đổi mới “Đây là giai đoạn tuyệt vời để ai cũng có thể trở thành người sáng lập. ChatGPT API rẻ và dễ tích hợp nên sẽ có rất nhiều ứng dụng có thêm giao diện trò chuyện hoặc tích hợp LLM (mô hình ngôn ngữ lớn). Dần dần, mọi người sẽ quen với việc trò chuyện cùng AI qua những ứng dụng hàng ngày”, Habib nói.

Minh Hoàng

Bình luận (0 bình luận)