‘Doanh nghiệp nên tận dụng ChatGPT’

Doanh nghiệp nên tận dụng ChatGPT trong các hoạt động vận hành, quản lý… để tối ưu hiệu quả công việc, theo anh Lê Công Thành – Giám đốc điều hành InfoRe Technology.

Tại talkshow “Tận dụng ChatGPT thúc đẩy công nghệ Việt” do FUNiX tổ chức, lãnh đạo các công ty công nghệ nhận định công cụ này sở hữu những tính năng vượt trội, khả năng ứng dụng rộng rãi.

Anh Lê Công Thành đã đưa ChatGPT ứng dụng trong hoạt động doanh nghiệp từ sớm. Hiện, các hoạt động chính của InfoRe bao gồm phân tích, thu thập, xử lý dữ liệu và làm báo cáo cho khách hàng. Trong khi đó, công cụ này thực hiện báo cáo phân tích dữ liệu nhanh gấp nhiều lần so với con người. Trước khi ChatGPT ra đời, thường một nhân viên sẽ mất từ ba ngày đến một tuần để hoàn thiện vài chục trang. Với ChatGPT, công ty có thể hoàn thành báo cáo phân tích tự động chỉ trong vòng 30 phút đến một tiếng.

Theo anh, một nhân viên có thể tạo ra nhiều báo cáo để gửi cho các khách hàng khi chỉ cần định dạng dữ liệu thành Prom (Chip bộ nhớ chỉ đọc lập trình), sau đó, đưa vào ChatGPT và thêm ngữ cảnh phân tích cụ thể. “Điều này giúp tối ưu hoá quy trình, tăng hiệu suất làm việc”, nam diễn giả khẳng định.

'Doanh nghiệp nên tận dụng ChatGPT'
Đại diện các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam chia sẻ về cách khai thác ChatGPT trong chương trình xTalk do FUNiX tổ chức. Ảnh: Chụp màn hình

Bên cạnh đó, CEO InfoRe còn ứng dụng ChatGPT trong hoạt động kinh doanh phần mềm, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng, mô tả khái niệm cho khách hàng. Ngoài ra, trong lĩnh vực sáng tạo nội dung và lập trình, công cụ này cũng hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí.

Anh Kim Phạm – nhà sáng lập Cohost AI cũng cho biết, doanh nghiệp này đang ứng dụng ChatGPT trong chăm sóc khách hàng và sáng tạo nội dung. “ChatGPT có thể viết song song cả tiếng Việt và tiếng Anh. Thậm chí, chỉ cần gõ một số từ khóa, nền tảng sẽ cho ra một bài đăng hoàn chỉnh”, anh nói thêm.

Đơn vị cung cấp phần mềm quản lý thông minh dành cho homestay, chuỗi khách sạn và có thế mạnh sử dụng chatbot để hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của khách hàng. Do đó, công ty đang tích hợp API của ChatGPT vào phần mềm để bổ sung tính năng mới.

Ngoài ra, ChatGPT còn được ứng dụng trong lập trình tại Cohost AI. Các lập trình viên của Cohost AI tận dụng triệt để Git Hub Copilot – một phần mềm dùng ChatGPT chuyên dụng cho code nhanh, dể hiểu và ít lỗi hơn.

Hai vị lãnh đạo cũng khẳng định ChatGPT giúp việc rất hiệu quả, tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí và nâng cao năng suất làm việc tại doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, để khai thác tốt nhất, con người cần cải thiện kỹ năng và kiến thức nền tảng không ngừng để làm chủ công nghệ.Trong đó có khả năng về diễn đạt, ngôn ngữ.

Theo anh Thành, đây là yêu cầu rất quan trọng với lập trình viên trong thời đại, khi nhiệm vụ giao tiếp với máy móc ngày càng nhiều. Số lượng các công việc ra đời từ công nghệ mới thường có xu hướng gia tăng nhiều hơn so với phần bị đào thải. Do đó, sự ra đời của công nghệ mới sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn rủi ro.

“Mọi người cần thích nghi đủ tốt. Tôi cho rằng sẽ có rất nhiều công việc thú vị chúng ta có thể theo đuổi”, anh chia sẻ.

Diễn giả Kim Phạm cũng nhận định, về bản chất, máy tính chỉ giỏi về những việc lặp đi lặp lại. Học tập các kiến thức tầng sâu luôn khó hơn bề mặt. Vì vậy người sở hữu kiến thức sâu sẽ có nhiều ưu thế, không lo đào thải bởi công nghệ.

“Nhân sự ngành IT cần làm những công việc thiên về sáng tạo, tạo ra và xây dựng cái mới dựa trên những gì đã có”, anh nói thêm.

Hai diễn giả cũng nhận xét, học viên tại FUNiX có điều kiện phát triển tiềm năng khi được tiếp cận với chatbot này từ sớm cho mục đích học tập. Hiện, đơn vị đã tích hợp ChatGPT vào trang hỏi đáp nội bộ để người học tìm hiểu kiến thức chuyên môn trong quá trình học trực tuyến.

“Học viên FUNiX nên tận dụng cơ hội này để tìm hiểu, huấn luyện ChatGPT nghiêm túc, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng cho người khác. Nếu sử dụng đúng đắn, công cụ này rất hữu ích, có thể thay đổi cuộc sống của nhiều người”, diễn giả Lê Công Thành nhấn mạnh.

Minh Tiến

 

Thành lập năm 2015, FUNiX là tổ chức giáo dục đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin hoàn toàn qua hình thức trực tuyến. Đơn vị có hơn 20.000 học viên, học tập trên nguồn tài nguyên MOOC từ internet, có sự hỗ trợ kèm cặp từ hơn 5.000 mentor môn và hannah (cán bộ duy trì động lực học tập).
FUNiX có mạng lưới đối tác gần 100 doanh nghiệp IT, tập đoàn, các trường đại học. Các tín chỉ và chứng chỉ tại đây được công nhận bởi các doanh nghiệp và trường đại học ở trong, ngoài nước.

Bình luận (0 bình luận)