Mark Zuckerberg ám ảnh metaverse vì Apple

 

Việc chi hàng chục tỷ USD vào metaverse của Mark Zuckerberg được cho là cách để Meta thoát khỏi những thay đổi của Apple.

“Về mặt kinh doanh, chắc chắn chúng tôi đã thấy được động lực phải chuyển đổi sau những gì Apple đã thực hiện với công cụ Apple Tracking Transparency (ATT) và những cách thức khác họ sẽ làm trong tương lai, như chính sách mới vừa công bố”, CEO Meta nói trong phiên họp với các nhà đầu tư ngày 28/10.

Mark Zuckerberg ám ảnh metaverse vì Apple
Tim Cook (trái) và Mark Zuckerberg. Ảnh: AP

Chính sách mới mà Mark Zuckerberg nhắc đến là việc Apple yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng mạng xã hội có trên App Store phải tích hợp tính năng mua trong ứng dụng IAP (In App Purchase). Có nghĩa, bất kỳ mạng xã hội nào cho phép người dùng trả phí để tăng lượt tiếp cận nội dung (còn gọi là boost) đều phải chia lại cho Apple 30% doanh thu. Đây cũng là lần đầu Apple đánh thuế trực tiếp vào quảng cáo trong ứng dụng iOS.

Thay đổi này tác động nhiều nhất đến Facebook và Instagram, nơi cho phép người dùng trả tiền để tăng phạm vi tiếp cận các bài đăng. “Rõ ràng, có những rủi ro lớn và chúng tôi thấy có vấn đề”, Zuckerberg tiếp tục.

Meta báo cáo tài chính quý III/2022 tuần trước với khoản lỗ 3,67 tỷ USD dành cho metaverse, chủ yếu là chi phí cho Reality Labs – bộ phận nghiên cứu và sản xuất thiết bị thực tế ảo. Trong năm nay, bộ phận này tiêu tốn của Meta hơn 9,4 tỷ USD.

Theo Business Insider, Zuckerberg đã sẵn sàng mất hàng chục tỷ USD và khiến các nhà đầu tư tức giận khi theo đuổi metaverse. “Zuckerberg nỗ lực xây dựng metaverse không chỉ vì ông ấy tin đó là tương lai của Internet, mà vì đó còn là cách tốt nhất để thoát khỏi Apple”, trang này bình luận.

Mối quan hệ giữa Apple và Facebook đã trở nên căng thẳng trong nhiều năm. Từ 2014, CEO Apple Tim Cook bắt đầu có những phát biểu công khai nhắm vào nền tảng của Zuckerberg. Năm ngoái, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi Apple triển khai ATT, cho phép người dùng kiểm soát thông tin cá nhân và ngăn chặn quảng cáo. Meta sau đó ước tính thiệt hại hơn 10 tỷ USD vì thay đổi này.

Trong cuộc họp với các nhà đầu tư tuần trước, Zuckerberg nhiều lần nhắc đến Apple. Ông khẳng định, việc củng cố hoạt động kinh doanh của Meta trước các đối thủ như Apple không phải là lý do duy nhất khiến ông đầu tư vào metaverse. Tuy nhiên, ông tỏ ra quyết tâm trong việc đặt cược tương lai của công ty vào vũ trụ ảo với tham vọng và phần cứng với hệ điều hành riêng. Nếu hoạt động, metaverse sẽ cho phép Meta kiểm soát nhiều hơn số phận của chính mình thay vì phải phụ thuộc vào các công ty khác.

“Bạn có thể xây dựng những thứ mới và sáng tạo. Khi đó, bạn sẽ tự mình kiểm soát nhiều thứ hơn”, Zuckerberg nói.

Zuckerberg thấy gì trong metaverse

Theo CEO Meta, metaverse có bốn nền tảng chính đang được phát triển. Đầu tiên là Horizon Worlds với mục tiêu trở thành “nền tảng metaverse xã hội”. Thực tế ảo là nền tảng thứ hai, tập trung vào một số sản phẩm tiêu dùng như kính VR Quest mà theo ông dự đoán là “sẽ phổ biến ở quy mô lớn”.

Hai lĩnh vực cuối được Zuckerberg nhận xét vẫn “chủ yếu thử nghiệm nội bộ”, là thực tế tăng cường và “giao diện thần kinh” (Neural Interfaces). Riêng Neural Interfaces là hệ thống cho phép một người, như ai đó đang đeo kính AR, có thể giao tiếp với máy qua suy nghĩ mà không cần bộ điều khiển, cử động tay hoặc thậm chí là lời nói.

Theo CEO Meta, đến một ngày, kính VR/AR sẽ thay thế công việc mọi người đang làm trên laptop và PC. Có nghĩa, Zuckerberg đang hình dung máy Mac của Apple sẽ biến mất trong tương lai.

“Có 200 triệu người có máy tính mới mỗi năm, chủ yếu để làm việc”, ông nói. “Mục tiêu của chúng tôi đối với dòng Quest Pro trong vài năm tới là cho phép ngày càng nhiều người hoàn thành công việc trong thực tế ảo và thực tế hỗn hợp. Tương lai xa hơn, mọi thứ thực hiện trên kính sẽ tốt hơn nhiều so với làm trên máy tính”.

Ngoài ra, ông thừa nhận mọi người có thể chỉ trích ông về các khoản lỗ hiện tại. “Tôi hiểu nhiều người sẽ không đồng ý với khoản đầu tư này, nhưng những gì tôi có thể nói bây giờ là đây là thứ rất quan trọng”, ông nói. “Tôi nghĩ, nếu vài thập kỷ nữa nhìn lại, mọi người sẽ thấy tầm quan trọng của công việc tôi đang làm”.

Bảo Lâm (theo Business Insider)

Bình luận (0 bình luận)