Duolingo – ứng dụng học ngoại ngữ hàng đầu thế giới – cho biết Việt Nam là thị trường lớn nhất tại Đông Nam Á nhưng chưa khai thác doanh thu.
“Trong một thời gian ngắn, tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam đã vượt xa các thị trường khác”, bà Haina Xiang nói.
Tại Việt Nam, từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2022, Duolingo tăng đến 67% lượng người dùng đang hoạt động mỗi tháng. Không tiết lộ số lượng người dùng chính xác nhưng vị này cho hay lượng người dùng đang hoạt động tại Việt Nam đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. “3% người dùng hoạt động hàng ngày và 5% người dùng mới đến từ Việt Nam”, bà nói thêm.
Theo thống kê, người Việt thích học tiếng Anh và tiếng Trung nhất trên ứng dụng này. Điều này tạo nên sự khác biệt rất lớn tại Việt Nam. Ở những thị trường mà ngoài tiếng Anh, mọi người chuộng tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha hoặc Pháp.
Nhóm người dùng của Duolingo tại Việt Nam khoảng 15-45 tuổi, từ học sinh cho đến nhân viên đang đi làm. Họ dành trung bình 17,6 phút mỗi ngày trên ứng dụng, thường là sau giờ ăn tối và trước khi đi ngủ (lúc 9-10 giờ tối) với động lực chính là “rèn luyện trí não” thay vì để phục vụ học tập như các nước Đông Nam Á khác.
Đang làm ăn khấm khá và Việt Nam là điểm sáng tại Đông Nam Á nhưng họ vẫn chưa khai thác doanh thu.
Duolingo, đơn vị cung cấp các khóa học trực tuyến cho 41 ngôn ngữ đang niêm yết trên sàn Nasdaq, báo doanh thu 2021 đạt 250,7 triệu USD, tăng 55% so với 2020. Đáng chú ý, lãi ròng đạt 60,1 triệu USD, tăng đến 281%.
Họ kiếm tiền bằng nhiều nguồn khác nhau, như gói thu phí Duolingo Plus. Ứng dụng có 500 triệu người dùng toàn cầu và 6% người dùng hoạt động hàng tháng (monthly active user – MAU) đã đăng ký Duolingo Plus. Mỹ và Anh là những thị trường có mức độ sẵn sàng chi trả cao cho gói đăng ký này. Khi mua gói, người dùng có thể tải bài học về và bỏ qua quảng cáo.
Cùng với đó, chương trình Duolingo English Test cũng thu phí, đã được hơn 3.500 trường đại học công nhận giá trị bằng cấp. Cả hai dịch vụ này đều chưa triển khai ở Việt Nam.
“Cú xanh Duo” sẽ gặp nhiều bài toán thách thức khi thâm nhập sâu hơn vào Việt Nam. Theo bà Haina Xiang, bài toán đầu tiên là địa phương hóa. Hầu hết người Việt đăng ký và đăng nhập ứng dụng bằng số điện thoại nhưng hiện họ chỉ mới cho phép đăng ký và đăng nhập bằng Google, thư điện tử và Facebook. Thứ hai là cải thiện chất lượng các khóa học tiếng Anh vì gần 50% người dùng tại Việt Nam đang học ngôn ngữ. Và thứ ba là phát triển thương hiệu sau thời gian thâm nhập bằng cách thuê người nổi tiếng trên mạng xã hội để truyền miệng.
Bà cho rằng lợi thế của công ty là họ cung cấp nội dung với nhiều ngôn ngữ trong khi các trung tâm tiếng Anh khác chỉ có thể cung cấp các khóa học tiếng Anh.
Duolingo hiện có tổng cộng 5 văn phòng trên toàn thế giới, với 3 ở Mỹ, 1 ở Trung Quốc và 1 ở Đức và chưa có kế hoạch mở văn phòng tại Việt Nam.
Viễn Thông